Chức năng Ngôi nhà trẻ thơ Smiling Fingers đối với trẻ nhỏ được định nghĩa như thế nào?
Montessori gọi giai đoạn thời thơ ấu là thời kì phôi thai tâm lý tinh thần. Trong giai đoạn này, Montessori nhấn mạnh chính trẻ là người xây dựng nên nền tảng cho sự phát triển nhân cách, khí quan tinh thần của người trưởng thành thông qua nguyên liệu thô là những ấn tượng thấm hút trong môi trường. Những nhân tố trong môi trường sẽ giúp tô màu cho cảm xúc của trẻ và quyết định nền tảng vô thức trong hành vi của trẻ, của người trưởng thành mà sau này trẻ xây dựng nên. Những nhân tố này chính là “phương tiện cho sự phát triển” và người lớn là một trong những phương tiện phát triển đó, hoàn toàn không phải những gì chúng ta muốn dạy trẻ là phương tiện phát triển.
Câu hỏi được đặt ra khiến chúng ta giật mình :“Người lớn chúng ta có hành xử phi bạo lực (thể chất + tinh thần) trong môi trường trực tiếp với trẻ ở cả mặt ý thức và vô thức?”…Câu trả lời thẳng thắng và trung thực chỉ có thể là “không”. Thực tế, trẻ sống trong môi trường bao xung quanh đầy bạo lực. Thậm chí , bạo lực được xem như là một hình thức không thể loại bỏ trong việc giáo dục trẻ. Trẻ thường không được xem như là một cá thể với những quyền lợi mang tính cá nhân và xã hội. Mặc dù, trẻ có sự khác biệt so với chúng ta, nhưng những quyền lợi của trẻ, những nhu cầu của trẻ cần được tôn trọng ngang với những gì người lớn đòi hỏi cho bản thân mình. Vậy thì, đã bao nhiêu lần sự bạo lực mà người lớn làm đối với những nhu cầu thiết yếu của trẻ cũng chính là sự kích động trực tiếp cho những hành vi bạo lực từ phía trẻ ? Chúng ta thường là nguyên nhân trực tiếp cho sự phát triển hành vi bạo lực ở trẻ như thế nào?
Nếu bạo lực là một trong những yếu tố mà trẻ thẩm thấu từ môi trường trong quá trình hình thành nhân cách thì nguyên tắc phi bạo lực, dù sau này thể hiện dưới hình thức nào cũng chỉ có thể là một sự thể hiện mang tính bề ngoài, không có khả năng hiện thực khi trẻ phải đối mặt với những căng thẳng và sức ép từ các tình huống trong cuộc sống, và thậm chí nguyên tắc phi bạo lực không thể tái sinh từ bên trong. Sự đấu tranh giữa ý thức là mong muốn phi bạo lực và xu hướng bạo lực trong tiềm thức tạo nên mâu thuẫn, căng thẳng và dễ dàng dẫn đến thỏa hiệp nhất thời. Cuộc xung đột nội tại này là mầm mống của những xung đột giữa các cá thể với nhau, giữa cá thể với môi trường, giữa các nhóm cá thể với nhau và cuối cùng là những cuộc chiến làm mất đi vẽ đẹp của những trang lịch sử nhân loại.
Do đó, phi bạo lực là một trọng trách tuyệt vời và cao quý mà ngôi nhà trẻ thơ Smiling Fingers xây dựng. Như Montessori nhấn mạnh “Phi bạo lực đối với trẻ là điều căn bản và là con đường của giáo dục” và “Giáo dục hỗ trợ cuộc sống”. Chúng tôi nhận thức rằng sự phát triển của đứa trẻ được điều khiển bởi những quy luật phát triển của Thiên nhiên nên chúng tôi cần trợ giúp và hướng dẫn trẻ tuân theo những quy luật này. Các giá trị đời sống tinh thần, đạo đức, xã hội, trí thức và thể chất được chúng tôi xem xét và truyền tải theo hình thức dễ tiếp cận nhất, cá nhân hoá và phải do sự quyết định lựa chọn công việc của trẻ. Những giá trị này là những phương tiện cho sự phát triển đầu tiên mà chúng tôi xây dựng để nhân cách trẻ được phát triển tốt nhất, là nền tảng của phi bạo lực. Khi thực hiện mục đích này, nó sẽ đảm bảo cho mục đích thứ hai (thường được xem là mục đích duy nhất của việc giảng dạy) đó là tiếp thu một lượng kiến thức và kỹ năng nhất định mà xã hội yêu cầu tối thiểu trong mỗi giai đoạn phát triển của con người .
Tp. HCM 30/4/2017
Smiling Fingers
Montessori House of Children